THỂ LỆ

Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo - vì Thái Nguyên thân yêu” 

lần thứ nhất, năm 2025

 

(Kèm theo Quyết định số 16/QĐ-BTCCT ngày 24/01/2025 của Ban Tổ chức Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo - vì Thái Nguyên thân yêu” lần thứ nhất, năm 2025)

Điều 1. Mục đích, ý nghĩa         

Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo - vì Thái Nguyên thân yêu” lần thứ nhất, năm 2025 là hoạt động thiết thực của tỉnh trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó nhấn mạnh, vai trò, tầm quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Triển khai Cuộc thi là nội dung cụ thể hoá một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW đã nêu, đó là: Mở rộng đa dạng các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; trân trọng từng phát minh,sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù là nhỏ nhất.

Cuộc thi nhằm tôn vinh, động viên, khích lệ, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, việc làm nhỏ - ý nghĩa lớn đối với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu có những đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích thiết thực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh và phát triển.

Điều 2. Đối tượng tham gia

1. Mọi tổ chức, cá nhân (nhóm cá nhân) đã tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý (sau đây gọi chung là công trình) để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa; đã được triển khai, áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên.

2. Mọi tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam đã đầu tư để tạo ra công trình đều có quyền đứng tên tham dự. Trường hợp đứng tên tổ chức tham gia Cuộc thi thì những người trực tiếp thực hiện được tổ chức cử đứng tên là tác giả hoặc nhóm tác giả của công trình đó.

3. Trường hợp công trình được tạo ra từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp hoặc kinh phí của tổ chức trong và ngoài nước tài trợ, khi tham dự cuộc thi phải được sự cho phép bằng văn bản của tổ chức đó.

4. Trường hợp dự thi theo nhóm cá nhân thì được ghi tối đa 05 người tham gia thực hiện chính.

5. Tính đến thời điểm chấm giải Cuộc thi, tổ chức, cá nhân (nhóm cá nhân) tham gia cuộc thi không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

6. Thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng chuyên môn, Tổ Thư ký không được có tên trong công trình tham gia Cuộc thi.

Điều 3. Lĩnh vực và điều kiện dự thi

1. Tất cả các công trình đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh đều có thể đăng ký tham gia Cuộc thi.

2. Công trình phải thể hiện rõ tính đổi mới sáng tạo, có hiệu quả kinh tế xã hội cụ thể và áp dụng mang lại hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

3. Công trình không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và chưa được trao giải thưởng ở các Cuộc thi, Hội thi cấp tỉnh, cấp Trung ương hoặc tương đương trở lên.

Điều 4. Hồ sơ tham dự cuộc thi

Thành phần hồ sơ tham dự cuộc thi gồm có:

1. Phiếu đăng ký tham gia (theo mẫu 01 hoặc mẫu 02 kèm theo Thể lệ).

2. Báo cáo tóm tắt công trình (theo mẫu 03 kèm theo Thể lệ).

3. Tài liệu liên quan đến việc công bố hoặc văn bản xác nhận kết quả ứng dụng công trình (là xác nhận của cơ quan, đơn vị hoặc địa phương nơi công trình dự thi được triển khai, ứng dụng trong thực tế).

4. Các tài liệu khác liên quan đến công trình (nếu có).

5. Ảnh chân dung (4 cm x 6 cm) và 01 bản phô tô căn cước công dân của 
cá nhân hoặc đại diện của nhóm cá nhân tham gia Cuộc thi.

Lưu ý: Ban Tổ chức cuộc thi sẽ không trả lại đối với hồ sơ đăng ký tham gia cuộc thi.

Điều 5. Thời gian tổ chức

1. Thời gian phát động tổ chức Cuộc thi bắt đầu từ tháng 02/2025.

2. Các hồ sơ dự thi có thể nộp theo một trong các cách sau:

- Nộp trực tuyến: Qua website của Cuộc thi tại địa chỉ: http://thainguyenthanyeu.dosttn.gov.vn

- Nộp trực tiếp về Ban Tổ chức: trong ngày làm việc, theo giờ hành chính tại cơ quan Thường trực tổ chức Cuộc thi - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh 
Thái Nguyên;

- Gửi theo đường bưu điện về cơ quan Thường trực tổ chức Cuộc thi - 
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên (số 513, đường Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).

3. Thời gian nhận hồ sơ: Bắt đầu từ ngày 01/10/2025 đến hết ngày 31/10/2025. Cụ thể:

- Trường hợp gửi theo đường bưu điện (thời gian tính theo dấu bưu điện nơi gửi);

-Trường hợp nộp trực tiếp về Ban Tổ chức (thời gian tính theo dấu văn bản đến của Sở Khoa học và Công nghệ);

- Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến qua website là thời điểm hoàn thành thủ tục nộp hồ sơ.

4. Hồ sơ hợp lệ khi đáp ứng đủ đồng thời các điều kiện sau:

- Đủ thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 4 của Thể lệ;

- Nộp đúng thời gian;

- Đúng đối tượng, lĩnh vực và điều kiện dự thi.

5. Đăng tải thông tin: Hồ sơ hợp lệ sẽ được Ban Tổ chức đăng tải trên website của Cuộc thi để cộng đồng bình chọn bắt đầu từ ngày 05/11/2025 đến hết ngày 20/11/2025.

6. Thời gian tổ chức chấm giải:

- Thời hạn hoàn thành công tác tổ chức chấm giải trong vòng 30 ngày tính từ thời điểm kết thúc nhận hồ sơ.

- Ban Tổ chức có trách nhiệm tổng hợp, xem xét thông qua kết quả đánh giá, xếp loại giải thưởng của Cuộc thi và trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận kết quả Cuộc thi trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả chấm giải.

- Cơ quan Thường trực tổ chức Cuộc thi (Sở Khoa học và Công nghệ) thực hiện công bố kết quả trên website của Cuộc thi trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày 
ban hành quyết định công nhận kết quả Cuộc thi.

Điều 6. Số lượng Giải và mức tiền thưởng

Tổ chức, cá nhân (nhóm cá nhân) đoạt giải sẽ được nhận Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức và tiền thưởng kèm theo, cơ cấu cụ thể như sau:

- 01 Giải nhất: 80 triệu đồng/giải; 

- 02 Giải nhì: 40 triệu đồng/giải; 

- 03 Giải ba: 20 triệu đồng/giải; 

- 04 Giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.

Điều 7. Tiêu chí chấm điểm các công trình dự thi

Các công trình phải thể hiện được tính đổi mới sáng tạo, có hiệu quả kinh tế - xã hội và có khả năng áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh; được Hội đồng 
chuyên môn (do Ban Tổ chức thành lập) đánh giá dựa trên 03 nhóm tiêu chí sau:

- Tính đổi mới sáng tạo là công trình có các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý không trùng lặp với các công trình đã công bố.

- Hiệu quả kinh tế - xã hội là lợi ích kinh tế trực tiếp thu được sau khi thực hiện công trình hoặc được thể hiện dưới dạng tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, bảo vệ sức khoẻ, điều kiện làm việc, an toàn lao động, bảo vệ môi trường…

- Khả năng áp dụng là công trình có khả năng áp dụng rộng rãi trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.

Điều 8. Cách thức tính điểm và đánh giá công trình

1. Điểm của mỗi công trình dự thi bao gồm: điểm chấm của Hội đồng chuyên môn và điểm bình chọn của cộng đồng. Tổng điểm tối đa của công trình là 100 điểm, trong đó:

- Điểm chấm của Hội đồng chuyên môn: tối đa 80 điểm (trong đó: Tính đổi mới sáng tạo: tối đa 20 điểm; Hiệu quả kinh tế - xã hội: tối đa 30 điểm; Khả năng áp dụng: tối đa 30 điểm).

- Điểm bình chọn của cộng đồng: tối đa 20 điểm (được tính bằng 20 nhân với số phiếu bình chọn công trình tham gia đăng ký rồi chia cho số phiếu bình chọn cao nhất, được làm tròn số đến hàng phần mười).

2. Đánh giá, xếp loại công trình đoạt giải 

a) Công trình đoạt giải phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

- Lựa chọn theo thứ tự điểm số từ cao đến thấp cho đến khi hết cơ cấu giải thưởng. 

- Được ít nhất 2/3 số thành viên Ban Tổ chức cuộc thi bỏ phiếu đồng ý.

b) Trong trường hợp công trình dự thi có tổng số điểm bằng nhau thì chọn hồ sơ có điểm chấm của Hội đồng chuyên môn cao hơn. Nếu các công trình dự thi có tổng số điểm bằng nhau và điểm chấm của Hội đồng chuyên môn bằng nhau thì việc lựa chọn do Trưởng Ban Tổ chức quyết định.

Điều 9. Hội đồng chuyên môn

1. Thành phần và số lượng:

Hội đồng chuyên môn do Ban Tổ chức quyết định thành lập gồm có: Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và từ 03 đến 05 thành viên. Thành phần tham gia Hội đồng chuyên môn là các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân có uy tín.

2. Nhiệm vụ của Hội đồng chuyên môn.

- Thực hiện việc chấm điểm trên cơ sở các hồ sơ tham gia Cuộc thi.

- Khảo sát trực tiếp các công trình tham gia Cuộc thi trong thời gian chấm giải (khi hồ sơ tham dự chưa thể hiện đầy đủ thông tin và minh chứng hoặc cần kiểm tra, xác minh thông tin trong thực tế).

3. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng chuyên môn:

a) Kỳ họp của Hội đồng chuyên môn phải có ít nhất 3/4 số thành viên 
Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng. 

b) Hội đồng chấm điểm các công trình tham gia dự thi theo nguyên tắc độc lập, công bằng, dân chủ và khách quan. 

- Mỗi thành viên trong Hội đồng có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét và chấm điểm đánh giá Hồ sơ dự thi bằng văn bản theo mẫu phiếu quy định kèm theo Thể lệ. Thang điểm cụ thể của các nhóm tiêu chí do Hội đồng chuyên môn đề xuất và thực hiện sau khi đã xin ý kiến Ban Tổ chức.

- Điểm chấm của thành viên Hội đồng là hợp lệ nếu không lệch quá 20% điểm trung bình cộng của tất cả các thành viên. Trong trường hợp có điểm chấm của thành viên Hội đồng không hợp lệ, Hội đồng tổ chức chấm chung (chấm tập thể) và quyết định điểm chính thức.

c) Điểm chấm của công trình là điểm trung bình cộng của tất cả các thành viên trong Hội đồng, được làm tròn số đến hàng phần mười. 

 4. Chế độ của Hội đồng: thực hiện theo chế độ quy định hiện hành.

Điều 10. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ 

1. Các công trình tham gia dự thi được Ban Tổ chức bảo đảm giữ bí mật về nội dung cho đến ngày bắt đầu tổ chức bình chọn của cộng đồng trên website của cuộc thi.

2. Khi thấy công trình tham gia dự thi có khả năng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân tham gia dự thi nên chủ động nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền 
sở hữu trí tuệ.

Điều 11. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia Cuộc thi 

1. Thực hiện đúng các quy định tại Thể lệ cuộc thi, công trình dự thi không xâm phạm hoặc tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin trong hồ sơ dự thi. 

2. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, không sử dụng công trình tham gia cuộc thi này để tham dự các cuộc thi khác.

3. Để rút khỏi cuộc thi, tổ chức, cá nhân tham gia phải thông báo với cơ quan Thường trực tổ chức Cuộc thi (Sở Khoa học và Công nghệ) bằng văn bản trước khi hết thời hạn nộp hồ sơ dự thi.

4. Sau khi công trình dự thi đạt giải, nếu xảy ra tình trạng tranh chấp bản quyền tác giả thì đối tượng dự thi chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. 

5. Trong trường hợp cần kiểm tra, xác minh thực tế công trình dự thi, 
tổ chức, cá nhân tham gia dự thi có trách nhiệm phối hợp thực hiện các nội dung, cung cấp hồ sơ liên quan (nếu có) trong khuôn khổ cuộc thi cho Ban Tổ chức.

Lưu ý: Ban Tổ chức có quyền ghi âm, ghi hình, chụp hình về nội dung của công trình dự thi phục vụ quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc dưới bất kỳ hình thức nào với yêu cầu không gây nguy hại đến quyền sở hữu trí tuệ của công trình dự thi.

Điều 12. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại 

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Ban Tổ chức công bố kết quả chấm điểm của Hội đồng chuyên môn trên website cuộc thi, tổ chức, cá nhân dự thi 
có quyền khiếu nại; đơn khiếu nại phải ghi rõ họ tên tổ chức, cá nhân, địa chỉ, 
nội dung khiếu nại và gửi về Ban Tổ chức (qua cơ quan Thường trực tổ chức Cuộc thi - Sở Khoa học và Công nghệ). 

2. Việc giải quyết khiếu nại do Ban Tổ chức cuộc thi xem xét, quyết định.

Điều 13. Điều khoản thi hành

Thể lệ của cuộc thi được Ban Tổ chức thông qua và có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào chưa hợp lý, Ban Tổ chức cuộc thi có quyền điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp và thông báo công khai trên website của cuộc thi.